Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

"Tương lai Nhật Bản rất tối tăm" - Murakami Ryu







Murakami Ryu là một trong những tác giả nổi tiếng và gây tranh cãi nhất Nhật Bản. Tiểu thuyết đầu tay, Màu xanh trong suốt (限りなく透明に近いブル - Kagirinaku Toumei ni chikai buru), câu chuyện u ám về những đứa trẻ Nhật Bản vỡ mộng hủy hoại bản thân trong vòng xoáy của ma túy và nhạc rock, dưới cái bóng và sự ảnh hưởng của căn cứ quân sự Mỹ. Tiểu thuyết được viết năm ông 24 tuổi, và đã giành được giải thưởng Akutagawa, một trong những giải danh giá trong giới văn học, và trên đất nước mình, cái danh đã gắn chặt Murakami là bậc thầy của văn học u ám và bạo lực. Bây giờ đã 61 tuổi, Murakami vẫn đang tiếp tục công việc hướng đến gốc rễ của cái đất nước càng ngày một rạn nứt, qua lăn kính của sự đê hèn, bạo lực và những thành phần nằm ngoài xã hội.
Trong "From the Fatherland With Love" (半島を出よ - Hantou wo deyo), được xuất bản vào năm 2005 tại Nhật Bản và đã được dịch sang tiếng Anh lần đầu tiên, Murakami vẫn ngang tàn như vậy trên sàn quốc tế. Tiểu thuyết về sự hình dung về Nhật Bản bị sụp đổ sau khi nền kinh tế khủng hoảng, cộng đồng quốc tế bỏ rơi và đỉnh cao là bị Bắc Triều Tiên xâm lược. Trong khi chính phủ Nhật Bản đau đầu giải quyết tình hình trên, thì một nhóm người gồm kẻ sát nhân, quỷ vương, những người trẻ suy đồi gánh vác trách nhiệm chiến đấu chống lại chế độ Bắc Triều Tiên. Tôi đã gặp Ryu để bàn lận về ảnh hưởng của Mỹ tại Nhật Bản, tuổi trẻ, bạo lực và tiểu thuyết mới của ông.


VICE: Sau tiểu thuyết đầu tay, Màu xanh trong suốt, sự hiện diện của người Mỹ tại Nhật đã trở thành đề tài cố định trong sự nghiệp của ông. Tại sao lại như vậy, và ông có nghĩ đó là ảnh hưởng tiêu cực không?

Ryu Murukami: Tôi lớn lên tại thị trấn gần khu quân sự Mỹ, nên có lẽ đã chịu ảnh hưởng khá nhiều trong tiểu thuyết. Nó không phải là tiêu cực. Hiển nhiên là Nhật đã thua trận trong chiến tranh, nên cảm tưởng của con người ở đây là họ bị bắt ép phải theo chế độ dân chủ và bị bắt phải chấp nhận văn hóa Mỹ bởi vì sự thua cuộc đó. Ở thế hệ của tôi, có thành phần ảnh hưởng văn hóa Mỹ mà chúng tôi thích và cũng có những thành phần chúng tôi ghét. Chúng tôi cũng hiểu được sự phức tạp và đa dạng của văn hóa Mỹ hơn thế hệ đi trước.



Tiểu thuyết của ông cho người khác cảm giác rằng sự chảy tràn đột ngột của Mỹ và sự phản văn hóa đã mở ra một khoảng chân không trong tư duy tập thể của văn hóa Nhật truyền thống, nơi mà nhiều nhân vật của ông thấy bản thân mình lạc lối.

Tôi nghĩ đó là một lời giải thích rất hay về điều đã diễn ra. Vấn đề là khi nhìn vào chính trị và hệ thống xã hội của Nhật, tập thể hiển nhiên là quan trọng hơn là thiểu số hay cá nhân - dù vẫn có rất hiếm các trường hợp cá tính được công nhận quan trọng ở đây.



Tại sao mọi người không thực hiện cả hai? Sống cá nhân trong tập thể?

Bởi vì người nào cố gắng sống vậy sẽ bị xã hội ruồng bỏ. 






Người bị xã hội ruồng bỏ là những nhân vật chủ yếu trong tác phẩm của ông. Nhưng phần lờn trong số họ bị ruồng bỏ là do hoàn cảnh ngăn cản họ phù hợp với lẽ thường, hơn là cho họ sự lựa chọn đến với tính chất cá nhân.

Nhiều người muốn sống một cách cá nhân, và tôi cũng như vậy. Bạn có thể làm được điều đó bằng việc lựa chọn không đi theo công ty truyền thống nào hoặc không làm theo những mong muốn bạn là một thành phần trong xã hội. Trường hợp xảy ra nhiều nhất là điều đó sẽ khiến cuộc sống bạn khó khăn hơn. Bằng việc đem những người bị ép buộc loại trừ khỏi xã hội bởi lịch sử hoặc hoàn cảnh vào trong tác phẩm của mình, điều đó sẽ dễ dàng hơn cho tôi diễn tả được sống như thế khó khăn đến mức nào.

Nó làm tôi nhớ đến một bức thư mà tôi nhận được từ một cô gái trẻ. Cô ấy cãi nhau với bố mẹ về khát khao muốn có một công việc về bánh kẹo, và thế là cô ấy quyết định bỏ nhà ra đi. Nơi đấy là vùng ngoại ô, trong lúc chờ xe buýt, cô ấy đang đọc tiểu thuyết của tôi và nhận được động lực rằng còn rất nhiều người không thích ứng được với xã hội như cô ở trong xã hội này. Những phản ứng và tình tiết như vậy khiến tôi rất hạnh phúc.


Trong quyển "Những đứa bé bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ" (Coin Locker Babies), những vấn đề mà nhân vật chính phải chịu do bị bỏ rơi khi còn là trẻ sơ sinh đã trở thành nỗi hận thù muốn hủy hoại thế giới xung quanh mình. Ông cảm thấy đồng cảm với chủ nghĩa hư vô ấy*?

Tôi cũng có nhiều vấn đề với thế giới mà tôi nhìn thấy xung quanh mình. Với trường hợp những bạn trẻ bị hủy hoại, những sáng tạo có thể tập trung những cơn giận hay năng lượng hủy diệt lên viết lách hoặc làm nhạc. Nhưng, nếu không làm được như vậy, họ sẽ đi đến bạo lực hoặc thậm chí là khủng bố. Nếu năng lượng hủy diệt đi kèm với một dạng của đạo đức sẽ tạo ra một cuộc cách mạng.

*Chủ nghĩa hư vô là một học thuyết triết học cho thấy sự phủ nhận một hoặc nhiều khía cạnh có ý nghĩa của cuộc sống, trong đó lập luận rằng cuộc sống này không có mục tiêu nào có ý nghĩa, mục đích, đạo đức hoặc giá trị nội tại.


Cuộc bạo loạn ở London 2011* là một ví dụ điển hình cho việc những đứa trẻ thất vọng với xã hội đã bùng nổ một cách tự phát vô tổ chức và căn bản trở thành một cuộc nổi loạn hủy diệt. Ông có nghĩ điều như vậy có thể diễn ra ở Nhật Bản?


Không chắc lắm. Nhật Bản đang ngày một trở nên ngoan ngoãn hơn... Tôi không biết tại sao. Mọi người có lẽ sẽ nghĩ dù có làm gì đi nữa thì cũng chẳng gì thay đổi. Điều đó cũng diễn ra mọi lúc ở Châu Âu, dù vậy!

*Cuộc bạo loạn ở London 2011 là cuộc bạo loạn tồi tệ nhất từng diễn ra kể từ cuộc bạo loạn ở Brixton 1995, cuộc bạo loạn diễn ra dưới hình thức rối loạn công cộng, cướp bóc, đốt phá tấn công, trộm cắp và cướp. Nguyên nhân chủ yếu là do sự căng thẳng giữa người dân đen Anh với cảnh sát sau khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông tên Duggan, cùng với sự thất vọng về các vấn đề xã hội như nghèo đói và thất nghiệp cao, khoảng cách ngày càng chênh lệch giữa giàu - nghèo, nền văn hóa băng đảng,..


Trong tiểu thuyết mới From the Fatherland with Love, băng đảng gồm những kẻ vị thành niên giết người không thích nghi với xã hội và từ chối xã hội của Ishihara đều có những lịch sử tồi tệ và luôn khao khát bao lực. Mặc dù cuối cùng họ cũng chiến đấu lại Bắc Triều Tiên, nhưng phản ứng đầu tiên của họ là liên minh với kẻ địch để chống lại Nhật Bản. Tại sao lại như vậy?

Thường thì James Bond sẽ được gửi đi để chiến đấu chống Bắc Triều Tiên, nhưng tôi không muốn viết một quyển sách như vậy. Tôi sắp xếp nó để cho những người mà xã hội này vẫn thường muốn loại trừ là những người sẽ cứu lấy ngày mai. Cảm hứng của tôi là từ những cậu trai đến từ Aum Shinrikyo, một giáo phái ở Nhật chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công bằng sarin (một chất cực độc) tại nhà ga Tokyo. Trong giáo phái có rất nhiều đứa trẻ ngây thơ. Bởi vì quá khứ của mình, những đứa trẻ đó có một khoảng thời gian rất khó khăn để thích ứng với xã hội khi trưởng thành. Tôi đã suy nghĩ về việc họ cảm nhận thế nào khi lớn lên. Liệu họ sẽ phát triển thành cơn hận thù chống lại xã hội đã không nhìn nhận họ?

*Vụ tấn công bằng khí sarin tại nhà ga Tokyo, là một vụ khủng bố trong nội địa Nhật Bản vào năm 1995 bởi tổ chức Aum Shinrikyo theo thuyết Ngày tận thế, đã khiến 13 người chết và hơn 6.000 người bị thương.Vụ tấn công khiến dư luận Nhật Bản kinh hoàng bởi quy mô và mức độ tàn khốc của nó. Sự việc năm 1995 là vụ tấn công gây thương vong lớn đầu tiên ở Nhật Bản kể từ sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống nước này trong Thế chiến 2. 




Ông nghĩ người Nhật sẽ phản ứng thế nào về cuộc xâm lược thực sự của Bắc Triều Tiên?

Nó là một tình huống giả tưởng, nhưng nếu xảy ra thật tôi nghĩ Nhật Bản sẽ hoàn toàn không thể chống trả lại. Ví dụ, nếu họ tấn công vào Guam, Mỹ sẽ chống trả. Nếu mà nhắm vào Nam Hàn, Seoul sẽ tràn ngập biển lửa nhưng họ cũng sẽ báo thù. Nhưng nếu họ ném bom vào hòn đảo có người sinh sống Nhật Bản, cả Mỹ và Nam Hàn đều không thể làm được gì, và tôi nghĩ Nhật Bản không thể giải quyết vấn đề đó một mình.


Một dòng trong tiểu thuyết rằng "Nhật Bản không còn gì có thể trông đợi..." Ông có tin điều đó là sự thật?

Đây là một câu hỏi khó trả lời. Nhật Bản ngày một thay đổi đa dạng, và cùng với điều đó, có những người có thể thấy được tương lai nhưng có người thì không. Thật khó khăn để sống và tìm được việc làm hơn trước.


Bạn hình dung về tương lai của giới trẻ Nhật Bản như thế nào?

Tối tăm.


From the Fatherland with Love được phát hành bởi Pushkin Press vào tháng này cùng với tái bản Coin Locker Babies, 69 và Popular Hits of Showa Era.


Bài phỏng vấn Murakami Ryu trên tạp chí VICE, bởi Joseph George
Source: http://www.vice.com/read/ryu-murukami-about-north-korea-and-the-future-of-japan
 
Hình ảnh bởi Nico Perez 
Dịch bởi Hina.K @ uchu19
Đây là sản phẩm phi lợi nhuận, vui lòng xin phép trước khi đem bản dịch đi chỗ khác.